Sủng ái con thứ Đậu_hoàng_hậu_(Hán_Văn_Đế)

Năm Hậu Nguyên thứ 7 (157 TCN), Hán Văn Đế băng hà, thọ 45 tuổi và cai trị 23 năm. Con trưởng là Thái tử Lưu Khải lên ngôi, tức là Hán Cảnh Đế. Bạc Thái hậu được tôn làm Thái hoàng thái hậu còn Đậu Hoàng hậu được tôn là Hoàng thái hậu. Hán Cảnh Đế kính nể và tôn trọng Đậu Thái hậu, phong cho Đậu Quảng Quốc làm Chương Vũ hầu (章武侯), nhân Đậu Trường Quân chết nên lập con trai của Trường Quân là Đậu Bành Tổ (窦彭祖) làm Nam Bì hầu (南皮侯)[21]. Đậu Thái hậu yêu thích Đạo giáo, muốn Cảnh Đế noi theo, Cảnh Đế tuy theo học để vui lòng mẹ nhưng vẫn hay mời nhiều Nho sĩ vào triều để nghiên cứu học thuyết Nho giáo, vì vậy Đậu Thái hậu tỏ ra không vui. Thời gian này mắt bà bị mù, và phải nhờ cung nhân đọc cho nghe[22].

Năm Cảnh Đế Tiền Nguyên thứ 3 (154 TCN), xảy ra Loạn bảy nước. Lương vương Lưu Vũ có công chống giữ thành trì nước Lương khiến quân phản loạn nước Ngô, Sở không thể tiến về kinh thành Trường An. Sau đó, quân phản loạn bị Thái úy Châu Á Phu tiêu diệt. Lương vương Vũ về kinh triều kiến Hán Cảnh Đế. Trong khi ngồi tiệc, Cảnh Đế uống say cao hứng nói rằng sau này sẽ truyền ngôi cho em. Lương vương tuy đứng dậy khước từ hoàng ân nhưng trong lòng rất mừng. Việc đó cũng được Đậu Thái hậu đồng tình. Tuy nhiên, người con trai của anh họ Đậu Thái hậu là Chiêm sự Đậu Anh (竇婴) phản đối, tâu với Cảnh Đế rằng:「"Thiên hạ là do Cao Tổ lập nên. Có xét kế vị, là cha truyền con nối, đó là pháp định. Nay Bệ hạ hà cớ mà truyền cho Lương vương?!"」. Cảnh Đế nghe theo, bèn thôi ý định truyền ngôi cho em, điều đó lại khiến Đậu Thái hậu không bằng lòng. Đậu Thái hậu giận, khiến Đậu Anh phải cáo bệnh bãi quan, bà thậm chí còn cho trừ bỏ môn tịch của nhà Đậu Anh, không cho vào cung vấn an mình nữa[23][24][25][26].

Năm Tiền Nguyên thứ 7 (150 TCN), tháng 11, Cảnh Đế phế truất Thái tử Lưu Vinh. Đậu Thái hậu khi đó thêm lời vào:「"Ta nghe nói chế độ nhà Ân xét thân thích, chế độ Chu triều tôn tổ tiên, đạo lý giống nhau. Trăm năm sau, ta đem Lương vương phó thác cho Hoàng đế”」. Ý của Thái hậu rất rõ muốn Hoàng đế lập Lương vương Lưu Vũ làm Hoàng thái đệ, chính vị Trữ quân. Tan tiệc, Hán Cảnh Đế ân hận triệu tập các đại thần thương nghị việc đó. Các đại thần do Viên Áng đứng đầu nhất loạt phản đối, cho rằng phải giữ phép tắc cha truyền con nối, nếu không sẽ gây ra loạn. Cảnh Đế nghe theo, do đó việc lập Lương vương cũng bị đình chỉ[27][28][29].

Hán Cảnh Đế sau đó lập Giang Đông vương Lưu Triệt làm Đông cung Hoàng thái tử. Lương vương biết chuyện, oán hận Viên Áng, bèn sai thích khách là Dương Thắng (羊胜) và Công Tôn Ngụy (公孙诡) đi giết chết Viên Áng và hơn 10 viên quan khác cùng cánh trong triều. Hán Cảnh Đế kinh hoàng vì trong một ngày có tới hơn 10 đại thần bị giết, bèn sai người đi đến nước Lương điều tra vụ việc. Dương Thắng và Công Tôn Ngụy buộc phải tự sát, sứ giả biết thế khó xử của Cảnh Đế, khi về kinh bèn đốt hết giấy tờ hồ sơ vụ án rồi mới vào yết kiến, tâu lại sự việc và xin Cảnh Đế lờ vụ việc này đi. Đậu Thái hậu muốn giúp Lưu Vũ, bèn tuyệt thực để gây sức ép với Cảnh Đế. Hoàng đế bất lực, không xử tội Lưu Vũ, đổ hết chuyện này cho Thắng và Ngụy, chấm dứt điều tra. Tuy nhiên, Lưu Vũ không còn được Cảnh Đế sủng ái như trước nữa.[30][31][32][33][34]

Năm Trung Nguyên thứ 6 (144 TCN), Lương vương Lưu Vũ vào triều yết kiến Cảnh Đế, muốn xin Cảnh Đế cho mình ở Trường An để chăm sóc Đậu Thái hậu, nhưng Cảnh Đế không cho, Vũ đành phải quay về nước. Tháng 6 năm đó, Lưu Vũ bị bệnh nhiệt, sau khi về tới nước Lương thì chết, thọ 41 tuổi, làm Lương vương được 25 năm. Khi còn sống, Lưu Vũ rất có hiếu với Đậu Thái hậu, khi Thái hậu bệnh, ông nhịn ăn mà chăm sóc, nhiều lần muốn ở lại Trường An hầu hạ, nên được Thái hậu vô cùng sủng ái. Khi nghe tin Lưu Vũ qua đời, Đậu Thái hậu buồn rầu nói rằng:「"Hoàng đế giết mất con ta rồi!"」[35]. Hán Cảnh Đế nghe được thì sợ, không biết xử trí ra sao, sau đó mới theo lời Quán Đào Trưởng công chúa, phân Lương Quốc làm 5 phần, phong cho các con của Lưu Vũ làm 5 vương ở các nước là Lương, Tế Xuyên, Tế Đông, Sơn Dương, Tế Âm. Đậu Thái hậu bằng lòng[36][37].